Xây dựng chính quyền điện tử tại Thanh Hóa: Tính ưu việt được khẳng định

Hơn 1 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt với mục tiêu phục vụ người dân.

 

Với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm, công khai, minh bạch…, hơn 1 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 và thu được hiệu quả thiết thực.

Rõ mục tiêu, tăng hiệu quả

Theo ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, với quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của UBND, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh, sự thống nhất điều hành của Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh cũng như ở các địa phương đã tạo ra sự đồng bộ trong triển khai. Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết, tiếp theo đó là tham mưu cho Chủ tịch UBND ban hành các Chỉ thị số 12/CT-UBND về tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tập trung chỉ đạo đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tập trung nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin, rà soát, hoàn thiện, cài đặt phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử đảm bảo các tính năng kỹ thuật và thân thiện với người tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện nhiều giải pháp sao lưu dữ liệu, đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh hoạt động an toàn, thông suốt 24/7. Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các huyện, các xã trong việc đăng ký chứng thư số cá nhân…

Hơn 1 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt với mục tiêu phục vụ người dân.

Từ việc triển khai thực hiện đồng bộ, sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 17, công tác xây dựng CQĐT của Thanh Hóa đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức khả quan. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên điều hành, xử lý công việc trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Đã hoàn thành 37/42 nhiệm vụ được giao; Tỷ lệ văn bản điện tử gửi qua mạng của tỉnh đạt 94,7%, tỷ lệ văn bản ký số đạt 95,59%, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến độ 3 đạt 70,94%; mức độ 4 đạt 23,29% (toàn quốc đạt 15,91%). Xếp hạng chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019, tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 8 toàn quốc (tăng 1 bậc so với năm 2018); Tích hợp dịch vụ công trực tuyến Cổng Quốc gia: 187 dịch vụ công, đứng thứ 2 toàn quốc (sau TP Hà Nội); Ước tiết kiệm được 28 tỷ đồng/năm cho việc chi phí thời gian in, gửi phát hành văn bản của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, rút ngắn thời gian gửi văn bản từ tỉnh đến huyện, đến UBND cấp xã chỉ còn tính bằng giây.

Đặc biệt, hiệu quả từ xây dựng CQĐT đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao các chỉ số cạnh tranh PCI, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước (ICT Index) trên địa bàn tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhiều chỉ tiêu của tỉnh đã đạt và vượt so với toàn quốc. Thanh Hóa cũng là 1 trong 8 bộ, ngành địa phương đầu tiên kết nối, tích hợp Cổng Dịch vụ công tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Không ngừng đẩy mạnh

Mặc dù đạt được những kết quả trên, ông Đỗ Hữu Quyết cho rằng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 17 vẫn còn gặp những khó khăn, tồn tại cần khắc phục, như: các cơ sở dữ liệu của tỉnh còn rời rạc, chưa có sự chia sẻ, kết nối, liên thông với nhau và liên thông với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương. Tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của các sở, ban, ngành cấp tỉnh chưa đạt yêu cầu theo quy định...

Để thực hiện được mục tiêu kép theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19, trong thời gian tới, Thanh Hóa cần tập trung xây dựng, cập nhật kiến trúc CQĐT tỉnh Thanh Hóa, phiên bản 2.0, đảm bảo chất lượng và phù hợp với khung kiến trúc CQĐT Việt Nam; Hoàn thiện, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Hoàn thiện Đề án xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin và an toàn an ninh thông tin giỏi làm việc cho các cơ quan nhà nước tại tỉnh. Xây dựng Kiến trúc Khung ICT tỉnh Thanh Hóa đảm bảo chất lượng và phù hợp với Khung Kiến trúc CQĐT Việt Nam và Khung Kiến trúc CQĐT tỉnh.

Bên cạnh đó, cần làm tốt việc khai thác, sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, các phần mềm dùng chung của tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng của các cơ quan nhà nước. Đảm bảo 100% hồ sơ, công việc được chỉ đạo, luân chuyển, xử lý trên phần mềm. Khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh; khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống một cửa điện tử, cổng dịch vụ công của tỉnh. Xây dựng trung tâm dữ liệu và điều hành an toàn an ninh mạng của tỉnh để nâng cao khả năng cảnh báo, giám sát, lưu trữ, bảo mật, sao lưu, phòng chống thảm họa, bảo đảm vận hành ổn định, an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh, đồng thời bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu trong công tác cảnh báo, giám sát, ứng cứu sự cố mạng với các trung tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông và Quốc gia..../.

 

Từ ngày 1/9/2020, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc đạt 100% văn bản, hồ sơ công việc được điều hành, xử lý, tạo lập hồ sơ công việc, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật).

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận